Để có được một ngôi nhà vững chãi, cùng bạn đi qua năm tháng, giông bão thì bạn cần phải có một hệ thống nền móng vững chắc. Bạn đã thử tìm hiểu về móng nhà chưa? Nếu chưa, hãy cùng Munhaus tìm hiểu về các loại móng nhà phổ biến qua bài viết dưới đây nhé.
1. Móng nhà là gì?
Móng là bộ phận dưới cùng của công trình, nằm khuất dưới mặt đất thiết kế. Móng có thể làm bằng nhiều loại vật liệu như gạch, đá, bê tông, bê tông cốt thép. Móng mang toàn bộ tải trọng của công trình truyền đều xuống đất.
Móng là bộ phận quan trọng, khi thiết kế và thi công phải bảo đảm các yếu tố sau:
- Bền vững, ổn định, không trượt, không nứt, lún đều, hình thức phù hợp với từng loại đất
- Vật liệu dùng phù hợp, đảm bảo lâu bền, chống được sự xâm thực của nước trong đất
- Kinh tế, kết cấu hợp lý, thi công đơn giản, giá thành rẻ
Tìm hiểu thêm: Cách đan sắt dầm móng nhà đảm bảo đúng kỹ thuật
2. Hình dáng móng
Móng có tiết diện trên nhỏ, lớn dần về phía dưới để giảm dần ứng suất. Móng thường có ba bộ phận: Cổ móng (tường móng), thân móng (Tảng móng), Đế móng (Tảng lót)
- Cổ móng: Là bộ phận trung gian, nằm sát tường nhà, thường lớn hơn tường nhà, truyền tải trọng từ tường nhà xuống thân móng, ngoài ra còn có tác dụng chống lại lực đạp của đất nền.
- Thân móng: Là bộ phận chịu lực chính của móng, được cấu tạo theo tiết diện giật cấp, mái vát hay chữ nhật, phần này không được lộ ra ngoài mặt đất
- Đế móng: là phần dưới cùng của móng, có tác dụng phân bố đều áp lực xuống đáy móng. Đế móng có thể đổ bê tông gạch vỡ dầy từ 150 – 300, thường dày 200, vữa tam hợp mác 50. Đế móng phải nằm sâu dưới mặt đất thiết kế ≥ 500 để chống trượt.
Bên dưới móng là lớp lót móng, được làm bằng cát hoặc bê tông gạch vỡ, có tác dụng làm sạch đáy móng và tạo một mặt phẳng đảm bảo cho việc xây móng hay đổ bê tông dễ dàng.
Mặt đất khi xây móng nhà có độ cao tiêu chuẩn được quy định theo quy hoạch của từng địa phương. Bạn nên nắm rõ được các vấn đề này trước khi xây móng nhà để đảm bảo phù hợp các quy định xây dựng.
3. Phân loại móng nhà
3.1 Phân loại móng nhà theo vật liệu
- Móng cứng: là loại móng được làm bằng vật liệu chịu lực nén đơn thuần như gạch, đá, bê tông,…
- Móng mềm: là loại móng được làm bằng các vật liệu chịu uốn tốt (kéo và nén) như bê tông cốt thép
3.2 Theo hình thức chịu lực
- Móng chịu tải đúng tâm: là loại móng có hướng truyền lực thẳng đứng từ trên xuống, trùng vào phần trọng tâm của đế móng, đáp ứng được yêu cầu chịu lực tốt nhất cùng với sự phân phối lực đều dưới đáy móng.
- Móng chịu tải lệch tâm: là loại móng có hướng truyền lực không đi qua trọng tâm của mặt phẳng đáy móng. Loại móng này có kết cấu phức tạp, áp dụng ở những vị trí đặc biệt như khe lún, giữa nhà cũ, nhà mới,…
3.3 Theo hình dáng móng
- Móng cột (móng độc lập): là loại móng đứng độc lập, chịu tải trọng tập trung. Được làm bằng các vật liệu như gạch, đá, bê tông hoặc bê tông cốt thép
- Móng băng: là loại móng chạy dài theo tường, truyền tải trọng xuống nền tương đối đều đặn. Móng băng được làm bằng các vật liệu như gạch, đá, bê tông, bê tông cốt thép. Tiết diện móng thường có hình chữ nhật, hình thang hoặc giật cấp. Áp dụng cho nhà dân dụng ít tầng, có tải trọng không lớn.
- Móng bè (Móng toàn diện): là loại móng có diện tích đáy móng bằng diện tích xây dựng. Móng bè là loại móng được làm bằng bê tông cốt thép. Sử dụng nơi đất xấu, công trình có tải trọng lớn như nhà dân dụng nhiều tầng và nhà công nghiệp.
- Móng cọc: gồm có cọc và đài cọc. Khi nền đất yếu phải chịu tải trọng lớn của công trình người ta dùng móng cọc. Móng cọc chia ra lam hai loại: Móng cọc chống và móng cọc ma sát. Có thể dùng cọc tre, gỗ, bê tông cốt thép.
Móng cọc chống được dùng trong trường hợp dưới lớp đất yếu là lớp đất rắn (đá): đầu dưới cọc đóng chặt vào lớp đất rắn và truyền tải trọng vào nó. Nền móng cọc chống không bị lún hoặc bị lún không đáng kể.
Móng cọc ma sát được dùng trong trường hợp lớp đất rắn nằm ở quá sâu. Cọc ma sát truyền tải trọng công trình vào đất qua lực ma sát giữa đất và bề mặt cọc
3.4 Phân loại theo vị trí
- Móng tường giữa: nằm ở vị trí hai bên là nền nhà
- Móng tường biên: nằm ở vị trí một bên là nền nhà, một bên là hè rãnh
- Móng khe lún: nằm ở vị trí khe lún của công trình
- Móng bó hè (bó nền): nằm ở vị trí hành lang, có tác dụng chắn đất đắp của nền nhà
- Móng cấu tạo (tường ngăn): nằm ở vị trí dưới tường ngăn có bề dày 105, cao trên 2000 hoặc sát trần.
4. Cấu tạo các loại móng
Kích thước tiết diện móng trong công trình được tính toán trên cơ sở tài liệu cơ lý nền đất, tải trọng công trình, căn cứ vào vật liệu sử dụng và dựa vào gốc truyền lực vật liệu để thiết kế móng.
Mỗi vật liệu có một góc truyền lực khác nhau. Ký hiệu là α
- Móng gạch: α=30°
- Móng đá: α=26° – 30° (Tùy thuộc vào mác vữa xây)
- Móng bê tông: α= 30 – 45° (Phụ thuộc vào mác bê tông)
4.1 Cấu tạo của móng cứng
Là loại móng được làm bằng các vật liệu chịu lực nén tốt như gạch, đá, bê tông nhưng chịu uốn kém, ứng suất sinh ra là ứng suất nén đơn thuần.
Tiết diện móng hợp lý là các cấp giật của móng bám sát gốc truyền lực để đảm bảo khả năng chịu lực và tiết kiệm vật liệu.
Móng gạch:
Là loại móng phổ biến vì thích hợp kỹ thuật xây dựng phổ thông và sử dụng vật liệu rẻ tiền, có sẵn tại các địa phương trên cả nước.
Móng gạch được sử dụng hợp lý khi chiều rộng đế móng nhỏ hơn 1500. Dùng gạch đặc ≥ mác 75, có kích thước tiêu chuẩn 220x105x60. Để phù hợp với kích thước viên gạch mạch vữa liên kết đứng và ngang dầy 10.
Đế móng thường được xây 3 lớp gạch dày 210. Ở nơi khô ráo thì có thể làm bằng bê tông gạch vỡ hoặc bê tông đá dầm dày 150 – 300, mác 50 – 100 (thường dày 200). Đáy lót cát dầm chặt dày 50 – 100 hoặc đổ bê tông gạch vỡ dày 100, mác 50.
Khi thiết kế móng ta cần các số liệu sau:
- Chiều rộng đáy móng
- Chiều cao móng
- Chiều dày tường
Móng đối xứng
Khi thiết kế móng đối xứng cần lưu ý các cấp giật
- Chiều rộng: Cấp dưới bằng cấp trên cộng 115 (115=105+10)
- Chiều cao: là bội số của 70 để chẵn gạch (70=60+10)
- Các bậc giật thông thường: 70 – 140 – …-70-140-210.
Móng lệch tâm
Khi thiết kế móng lệch tâm cần lưu ý các cấp giật như sau:
- Chiều rộng: cấp dưới bằng cấp trên cộng 115 (115=105+10)
- Chiều cao: là bội số của 70 để chẵn gạch
- Các bậc giật thông thường: 140-210-210-…-210.
Móng đá
Là loại móng phổ biến trong xây dựng nhà ở thấp tầng, nhất là tại các địa phương có nhiều đá. Do kích thước của đá không đồng đều cho nên bề dày của móng ≥ 400, đối với móng cột bề dày của cổ móng ≥ 600. Chiều rộng bậc giật bằng 1/2 chiều cao bậc giật, chiều cao bậc giật thường lấy từ 350 – 600
Khi xây cần chú ý các mạch vữa ngang phải cùng nằm trên một mặt phẳng ngang, tránh đá chèn nhau khi chịu lực, mạch vữa đứng không được trùng nhau để tránh bị nứt theo chiều đứng, đá cong và dài không được dùng vì dễ bị gãy, gặp đá lõm thì đặt chiều lõm xuống dưới để viên đá ổn định, mạch vữa không nên dầy quá (với đá hộc mạch vữa xây là 30, với gia công mạch vữa xây là 10).
Móng bê tông
Là loại móng dùng xi măng làm vật liệu liên kết với các cốt liệu khác nhưu đá dăm, sỏi, cát, gạch vỡ,… tạo thành. Có thể sử dụng cho nhà có tải trọng lớn hoặc móng sâu.
Đối với móng bê tông có thể tích lớn (như móng của nhà công nghiệp), có thể thêm đá hộc vào bê tông, gọi là bê tông đá hộc. Tổng thể tích đá hộc có thể chiếm 30 – 50% thể tích móng. Kích thước mỗi viên đá hộc không được quá 1/3 chiều rộng móng, đường kính không lớn hơn 300, khuảng trống giữa các viên đá hộc không nhỏ hơn 40
Móng thường có dạng hình thang hoặc giật cấp
4.2 Móng mềm
Móng mềm là loại móng được làm bằng bê tông cốt thép, có khả năng chịu uốn tốt (Bao gồm kéo, nén). Áp dụng cho công trình có tải trọng lớn, nhà nhiều tầng, ở nơi đất xấu
Để tiết kiệm có thể chỉ đổ bê tông cốt thép phần thân móng, còn phía trên xây gạch hoặc đá
Làm phẳng đáy móng bằng cát đầm chặt dầy 50 – 100, bê tông gạch vỡ dầy 100, mác 50 hoặc bê tông đá 4×6 mác 100
5. Các vị trí đặc biệt của móng
5.1 Móng khe lún
Khe lún chia công trình ra làm các phần độc lập từ móng đến mái để đề phòng lún không đều gây phá hoại công trình. Ở vị trí khe lún, móng và tường phải tách ra và chiều rộng khe hở lún thường là 20 – 30
Vị trí khe lún thường được đặt ở các vị trí:
- Khi chiều dài nhà trên 40m
- Công trình chịu tải trọng chênh lệch
- Nền đất yếu có độ lún khác nhau
- Thời gian xây dựng khác nhau
5.2 Móng khe co dãn (Khe nhiệt độ)
Do nhiệt độ thay đổi làm cho nhà có thể bị dãn nở. Những công trình dài cần phải làm các khe co dãn để tường, sàn, mái có thể dãn nở tự do được. Khe co dãn phân công trình thành các phần tử phần trên của móng đến mái. Ở khe co dãn tại vị trí móng được làm chung, nhưng tại vị trí tường phải tách ra và chiều rộng khe co dãn là 20 – 30. Khuảng cách giữa các khe co dãn tùy theo loại kết cấu và vật liệu, từ 15 – 40m. Khe co dãn và khe lún thường kết hợp với nhau.
5.3 Móng tiếp giáp với móng cũ
Khi nhà mới làm tiếp giáp với nhà cũ có thể sử dụng tường hồi của nhà cũ làm tường ngăn cách. Song phải có khe lún chỗ tiếp giáp, vì nhà mới xây chưa ổn định sẽ lún nhiều. Để tránh ảnh hưởng đến phần nhà cũ, móng nhà mới phải cách móng nhà cũ khuảng 100. Hoặc làm móng mới cách móng cũ một khuảng nhất định, sau đó dùng dầm công xôn lao ra đỡ lấy dầm đỡ tường và xây nhà mới lên trên dầm đỡ tường.
Tham khảo thêm: Tường thu hồi là gì? Cấu tạo và đặc điểm
5.4 Móng qua hố
Khi móng phải xây qua các hố như ao hồ, mương rãnh thì tùy theo hố to hay hố nhỏ người ta có các cách giải quyết khác nhau:
- Hố nhỏ từ 1000 – 3000 thì vét sạch bùn đổ cát dầm chặt rồi xây tường lên trên, tùy trường hợp cụ thể có thể xây thêm cuốn hoặc gác dầm bê tông cốt thép
- Hố lớn hơn 3000 thường dùng móng độc lập, xây cuốn hoặc gác dầm bê tông cốt thép, sau đó xây tường phía trên
5.5 Móng trên sườn dốc
Khi làm nhà trên sườn dốc thì cao độ đáy móng không cùng nằm trong một mặt phẳng mà nằm theo hình bậc thang. Độ dốc khác nhau thì giật cấp khác nhau.
- Trường hợp đất có độ sụt lớn, nếu độ cao giật cấp đế móng không nhỏ hơn 360 và không lớn hơn 500, độ dài cấp giật lớn hơn 1000 thì giật cấp thông thường
- Trường hợp đất có độ sụt nhỏ, nếu độ cao giật cấp đế móng ≥500 thì giật cấp cao
6. Chống ẩm và chống thấm cho móng
6.1 Chống ẩm cho tường
Móng nhà luôn luôn ẩm do nước trong đất dẫn lên làm ẩm tường, mặt tường bị phá hoại, vữa trát bị bong và ảnh hưởng đến điều kiện vệ sinh trong nhà. Vì vậy phải chống ẩm cho tường bằng cách láng một lớp vữa xi măng mác 75, dày 20 ở mặt cổ móng tiếp giáp với tường nhà. Nếu có dầm cổ móng bằng bê tông cốt thép thì không cần láng vữa xi măng nữa. Nếu nhà có tầng hầm, có sàn bằng gỗ thì lớp chống ẩm phải ở dưới dầm chống mục cho sàn.
6.2 Chống thấm cho công trình ngầm
Thông thường trong các công trình làm tâng hầm hoặc các bể chứa thì cần phải xử lý chống thấm tùy mức độ và trường hợp cụ thể
- Trường hợp nước ngầm dưới nền tầng hầm: Trát vữa xi măng mác 75, dày 25 ở mặt trong và nền tâng hầm. Trát làm hai lớp: lớp thứ nhất dày 15 có khía quả trám đợi khô, lớp thứ hai dày 10. Trường hợp yêu cầu chống thấm cao hơn, có thể phía trong bể đổ một lớp bê tông chống thấm dày 40, mác 200. Phía ngoài đắp đất sét dày từ 300 – 400
- Mực nước ngầm cao hơn nền tầng hầm: làm hạ thấp mực nước ngầm bằng cách làm hố thu nước đồng thời phía ngoài đắp đất sét dày 300 – 400. Phía trong láng vữa xi măng hai lớp hoặc đổ bê tông cốt thép dày 40, mác 200
Tham khảo thêm: Các phương pháp ép cọc phổ biến
Trên đây, Munhaus đã cùng bạn tìm hiểu thêm về cấu tạo của các loại móng nhà cơ bản trong xây dựng. Nếu bạn đang có nhu cầu về sửa nhà hay xây nhà trọn gói, hãy tìm hiểu thêm về các dịch vụ của chúng tôi nhé!
Hotline tư vấn miễn phí: 0876 02 8866
Địa chỉ:
- Trụ sở chính: Số 6, ngách 460/44 Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
- Chi nhánh Hải Phòng: Lô B6 01 KĐT Hoàng Huy Mall, Kênh Dương, Lê Chân, Hải Phòng